Mòn cổ răng là tình trạng tổ chức cứng ở vùng cổ của răng bị mất đi. Tổ chức cứng của răng gồm men và ngà răng. Mòn cổ răng có thể mất đi lớp men hoặc cả lớp men và ngà răng. Khi men và ngà răng bị mất đi, chúng sẽ không được thay thế lại một cách tự nhiên.
1. Mòn cổ chân răng là gì?
Mòn cổ răng hay còn gọi là tiêu chân răng là một rãnh sâu, lõm vào hình chữ V ở mặt ngoài răng ở sát viền lợi, hay gặp ở các răng hàm nhỏ (răng số 4 và 5), răng số 6 và các răng cửa. Triệu chứng thường gặp của bệnh lý này chính là tình trạng ê buốt chân răng khi ăn các thức ăn nóng lạnh hoặc chua ngọt.
Chỗ chân răng cũng bị ê nhức khi bạn đánh răng hoặc sử dụng nước súc miệng, cũng có trường hợp chỗ hàm bị mòn cổ răng trở nên sưng nướu đau và nhức răng cảm giác dai dẳng khó chịu.
2. Nguyên nhân gây ra mòn cổ răng
Khác với các bệnh lý về răng là thường do vi khuẩn, nguyên nhân gây mòn cổ răng chủ yếu xuất phát từ thói quen vệ sinh răng miệng thiếu khoa học và chế độ ăn uống không hợp lý của người bệnh.
- Đánh răng sai cách: việc đánh răng quá mạnh, dùng bàn chải cứng chà sát lên bề mặt răng sẽ làm tổ chức cứng của răng bị mài mòn đi nhanh chóng. Việc chải răng theo hướng ngang cũng làm cho lợi dễ tụt xuống thấp, lộ chân răng, vị trí cổ răng đến chân răng chỉ có lớp ngà răng phủ, không có lớp men răng cứng bảo vệ nên khi lợi tụt, cổ răng dễ bị mòn và tốc độ mòn sẽ nhanh hơn.
- Giữ vệ sinh răng miệng không sạch: thức ăn còn lại bám trên mặt răng phần sát lợi và ở kẽ răng, lâu ngày thức ăn sẽ biến thành môi trường có tính acid gây mòn cổ răng.
- Thói quen sử dụng những thực phẩm quá chua trong một thời gian liên tục.
- Tiếp xúc với acid và nước ngọt có ga: thống kê cho thấy rằng: công nhân tiếp xúc với hơi và bụi nước có tính acid (sản xuất acquy chì,…) có mòn cổ răng trầm trọng. Nước ngọt có gas như coca cola, sprite,… có tính acid thấp cũng dễ gây mòn cổ răng.
- Răng mọc lệch, chen chúc: lợi phủ ở răng mọc lệch mỏng hơn ở các răng khác nên lợi dễ bị tụt và mòn cổ răng.
- Khớp cắn không bình thường.
- Răng bị chịu lực uốn ở phần cổ răng không đáng có do nhiều nguyên nhân.
- Thói quen nhai, nghiền đồ ăn.
- Yếu tố di truyền: gây rối loạn hình thành tổ chức cứng của răng, làm cho răng “mềm “ hơn và răng dễ bị mòn.
- Bệnh lý toàn thân hay chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh.
3. Biểu hiện của mòn cổ răng
Lúc đầu, mòn cổ răng chỉ là một rãnh nhỏ ở cổ răng sát lợi, có thể phát hiện bằng mắt hoặc bằng dụng cụ thăm khám. Bạn chưa thấy buốt, đau nhức hay có bất kỳ khó chịu nào.
Giai đoạn tiếp theo, rãnh to dần, có hình chữ V. Bạn sẽ thấy răng bị ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh, chua, hít gió hay khi đánh răng. Cảm giác ê buốt khó chịu ảnh hưởng đến việc ăn nhai, sinh hoạt. Lợi có thể bị tụt thấp xuống, chân răng lộ nhiều hơn, bạn lại càng ê buốt răng hơn và răng mất thẩm mỹ. Thức ăn có thể giắt vào rãnh, kích thích làm lợi viêm đỏ, chảy máu, miệng hôi.
4. Chữa mòn cổ răng như thế nào?
Các chuyên gia nha khoa đều đánh giá rằng mòn cổ răng chữa được và không khó. Việc chữa trị chỉ thật sự khó giải quyết khi tình trạng ăn mòn phá hủy nhiều tổ chức răng, gây chết tủy, nhiễm trùng cuống răng hay gãy răng. Do vậy, ngay khi phát hiện cổ răng có dấu hiệu bị mòn, răng ê buốt, bạn cần nhanh chóng đến gặp nha sĩ để được điều trị sớm.
Ở giai đoạn đầu: mòn cổ răng là khe nhỏ hoặc to hơn có hình chữ V nhưng chưa ảnh hưởng đến tủy răng. Chữa trị là: nha sĩ sẽ loại bỏ hết tổ chức bệnh, dùng vật liệu hàn răng tương thích với tổ chức răng và có màu giống với màu của răng để lấp kín khe hở. Việc hàn răng vừa bù vào phần răng đã mất, bảo vệ răng, loại bỏ ê buốt răng, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho hàm răng.
Ở giai đoạn sau: khi tủy răng đã bị ảnh hưởng gây đau đớn, viêm nhiễm vùng cuống răng hay gãy ngang thân răng. Điều trị là: chữa tủy răng, tạo lại thân răng bằng chất hàn và răng cần được bọc lại bằng chụp để bảo vệ răng.
Mòn cổ răng là bệnh lý hay gặp nhưng dễ bỏ qua, điều trị không khó và đạt thẩm mỹ cao nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Mong rằng mỗi chúng ta đều là nha sĩ của riêng mình, tự lắng nghe và tự phát hiện những dấu hiệu dù là nhỏ nhất ở hàm răng của mình, đến khám tư vấn định kỳ với nha sĩ để ai cũng có hàm răng đẹp, khỏe mạnh.
Bài viết liên quan
Nguyên nhân và cách điều trị khớp cắn chéo
Cách giảm đau răng sâu tại nhà hiệu quả
Tại sao cần phải thực hiện khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần?