1. Vai trò của Canxi đối với bộ răng
Xương và răng được hình thành bằng cách lắng đọng các ion muối khoáng như canxi và photpho lên khung hữu cơ trong 1 thời gian dài. Hàm lượng của các ion này có trong huyết thanh và dịch ngoại bào sẽ quyết định diễn tiến quá trình khoáng hóa này diễn ra nhanh hay chậm.
Canxi là 1 thành phần cơ bản của tạo nên tổ chức xương và răng, chúng tồn tại ở dạng phốt phát canxi. Khi bệnh nhân bị thiếu canxi thì lượng ion này có chứa trong xương sẽ được chuyển vào máu dưới tác dụng của tuyến cận giáp để giữ cho canxi và photphat trong máu ở mức cân bằng. Nếu tình trạng này kéo dài thì lượng canxi trong xương sẽ thiếu hụt dần và dẫn đến tình trạng mềm xương, còi xương, rối loạn quá trình cốt hóa và khoáng hóa răng.
Ngoài ra, còn có 1 loại sinh tố không thể không kể đến trong quá trình hấp thu canxi là vitamin D. Thành phần này có vai trò điều hòa chuyển hóa canxi và photphat trong cơ thể, giúp làm tăng cường hấp thu Ca, P ở ruột, tăng tái hấp thu Ca, P ở thận và lắng đọng Ca, P ở hệ xương – răng dưới dạng photphat canxi. Khi thiếu hụt vitamin D cũng có thể dẫn đến loãng xương, rối loạn quá trình vôi hóa xương – răng hoặc làm biến dạng xương.
Các loại thực phẩm có chứa hàm lượng canxi tương đối cao nhưng do tính khó đồng hóa nên chỉ những thực phẩm có tỷ lệ canxi tương quan thích hợp với photphat, magie,…mới có giá trị.
Canxi ở sữa dễ đồng hóa do có chứa các thành phần tương quan thích hợp và hoàn toàn dễ được sử dụng trong cơ thể.
2. Hậu quả của răng thiếu canxi
Canxi khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thu và tác động vào quá trình phát triển của mầm răng từ khi răng còn chưa mọc lên khỏi cung hàm. Do đó, muốn trẻ có một hàm răng chắc khỏe thì cần bổ sung đầy đủ canxi cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do trong những tuần đầu của thai kỳ thì mầm răng sữa đã dần hình thành và hấp thu canxi. Đến khi trẻ chào đời thì bộ răng sữa đã có hình dạng đầy đủ bên dưới và sẽ được mọc lên cung hàm lần lượt bắt đầu từ lúc 6 tháng tuổi.
Khi không được bổ sung canxi đầy đủ từ khi còn trong bụng mẹ, răng của trẻ sẽ kém khoáng hóa làm cho lớp men mỏng hơn bình thường, làm cho răng giòn, dễ vỡ và dễ bị sâu răng hơn bình thường. Ngoài ra, tình trạng thiếu canxi gây buốt rằng do lớp men mỏng bởi quá trình kém khoáng hóa nên dễ làm ảnh hưởng đến lớp ngà răng bên dưới- nơi có chứa các đầu tận cùng thần kinh.
Nếu trẻ bị thiếu hụt vitamin D cũng là nguyên nhân làm cho răng kém chắc khỏe hơn bình thường do có ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi.
3. Bổ sung canxi như thế nào cho sự phát triển răng miệng?
Bổ sung đầy đủ và cân đối ngay từ thời kỳ bào thai cho đến suốt chặng đường phát triển sau này. Chế độ ăn uống của bà mẹ mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến răng của con trẻ ngay khi bé còn nằm trong bụng mẹ.
Vào tuần lễ thứ 8 của thai kỳ, mầm răng sữa và mầm răng vĩnh viễn đã bắt đầu hình thành nên chế độ ăn uống của người mẹ cần phải có bổ sung đầy đủ canxi, chất khoáng và các vitamin cần thiết để tạo nên xương và răng của thai nhi.
Một chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng rất quan trọng đối với trẻ trong vòng 3 năm đầu đời để giúp cho sự phát triển hệ răng và quá trình cấu tạo nướu của trẻ được hoàn chỉnh. Giai đoạn này xảy ra quá trình khoáng hóa của lớp men răng và ảnh hưởng đến sự phát triển của răng trước khi mọc và trong quá trình mọc của hệ răng. Một số yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho răng bao gồm:
- Các thực phẩm chứa Canxi
Đây là thành phần quan trọng chiếm đến 99% trong cấu trúc xương và răng. Cơ thể hấp thu canxi rất tốt từ sữa.
Một số thực phẩm giàu canxi như sữa và các sản phẩm làm từ sữa, phô mai, tôm, cua ốc, tép, cá, cá nhỏ nguyên xương, rau màu xanh đậm và sản phẩm từ đậu… Để quá trình hấp thu canxi diễn ra tốt hơn, nên cho trẻ tắm nắng buổi sáng khoảng 30 phút vào khung giờ từ 7 giờ đến 9 giờ sáng.
- Thực phẩm giàu Vitamin D
Vitamin D giúp cho cơ thể sử dụng tốt canxi và photpho để hình thành và duy trì hệ xương răng chắc khỏe. Nếu không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết thì dù trẻ ăn uống đủ canxi nhưng vẫn bị thiếu canxi dẫn đến còi xương.
Các thực phẩm có chứa lượng lớn Vitamin D là rất ít. Một số có thể kể đến là dầu gan cá, trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D. Nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho cơ thể là từ các tiền vitamin D ở dưới da dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời sẽ tạo ra các vitamin D cần thiết cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu Photpho
Đây là chất khoáng có hàm lượng lớn thứ hai trong cơ thể sau canxi với chức năng hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc và duy trì các chức phận khác. Photpho có chứa trong thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn so với thức ăn thực vật.
- Thực phẩm giàu Magie
Ngoài canxi ra thì magie còn góp phần trong quá trình khoáng hóa tạo xương, răng. Trong tự nhiên thì magie có chứa nhiều trong các hải sản cá biển và cá nước ngọt, thịt các loại, rau xanh, trong các loại hạt toàn phần, các loại đậu đỗ.
- Ăn nhiều trái cây, rau quả
Các loại rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ,.. có chứa nhiều vitamin, khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng, bổ sung chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, chống táo bón. Ngoài ra còn giúp cho nướu răng thêm săn chắc.
4. Một số điều cần tránh để bé có hàm răng chắc khỏe
- Cần giới hạn số lượng các loại thực phẩm dễ gây sâu răng như bánh kẹo, nước ngọt có đường và có gas. Việc sử dụng quá mức các loại thực phẩm trên là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sâu răng ở trẻ em.
- Hạn chế ăn các thức ăn dính răng và khó chải rửa như kẹo dừa, mè xửng, nước ngọt, chè. Việc tích tụ trong răng lâu ngày sẽ làm gia tăng nguy cơ sâu răng hơn.
- Sau khi ăn các thực phẩm trên thì cần cho trẻ uống nước và súc miệng ngay để ngăn chặn quá trình vi khuẩn và chất đạm sẵn có trong nước bọt kết hợp với bột, đường tạo thành mảng bám răng gây ra sâu răng.
- Đối với trẻ còn bú bình thì khi trẻ buồn ngủ cần lấy ngay bình sữa trong miệng để ngăn ngừa sữa từ bình chảy ra và tích tụ quanh răng trong lúc ngủ gây ra sâu răng bú bình.
- Tạo thói quen đi khám răng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ và nên đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng để nha sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sâu răng, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa cũng như những lời khuyên cho sức khỏe răng miệng.
- Phụ huynh không nên có suy nghĩ rằng răng sữa không quan trọng vì nó sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn. Việc giữ một bộ răng sữa đầy đủ và chắc khỏe sẽ tạo tiền đề cho bộ răng vĩnh viễn thay thế sau này tránh khỏi tình trạng mọc không đúng chỗ, chen lấn nhau.
- Khi phát hiện răng sữa bị sâu thì cần đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để khám và điều trị kịp thời.
Bài viết liên quan
Tại sao cần phải thực hiện khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần?
Răng bị nứt có tự lành không?
Cách khắc phục tình trạng răng thưa