Răng hàm thường nằm trên cung hàm ở phía trong cùng. Chức năng chính của răng hàm là bảo vệ xương hàm và nghiền nhỏ thức ăn. Nó giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, đây cũng là nhóm răng có xu hướng dễ mắc các bệnh về răng miệng nhất.
Răng hàm là gì?
Răng hàm là nhóm răng mọc phía trong cùng và chiếm số lượng nhiều nhất trên cung hàm. Một người trưởng thành sẽ có tổng cộng 16-20 chiếc răng hàm. Các răng nằm trải dài từ răng số 4 đến răng số 8 của cả 2 hàm. Riêng trẻ em (14-18 tháng tuổi) chỉ có 8 chiếc răng hàm chia đều cho cả hàm trên và hàm dưới.
Răng hàm bao gồm 2 nhóm: răng hàm nhỏ và răng hàm lớn
Răng hàm nhỏ (răng tiền hàm): Răng hàm nhỏ là các răng nằm tại vị trí số 4 và số 5 của góc hàm. Đồng thời, nó nằm chính giữa răng nanh và răng hàm lớn. Đối với người trưởng thành sẽ có tổng cộng 8 chiếc răng hàm nhỏ phân bố đều cho cả 2 hàm. Khi quan sát kĩ bạn sẽ thấy mặt ngoài của răng hàm nhỏ tương đối giống với răng nanh nhưng kích thước thân răng lại lớn hơn và kích thước mặt nhai vừa phải.
Răng hàm lớn: Răng hàm lớn là các răng nằm tại vị trí số 6, số 7 và số 8 của góc hàm. Đối với người trưởng thành sẽ có tổng cộng 12 chiếc răng hàm lớn. Tuy nhiên, có một số trường hợp mọc ít hơn 12 chiếc do không mọc hoặc mọc không đủ răng số 8 (răng khôn).
Cấu tạo của răng hàm
Cũng giống như những chiếc răng khác trên cung hàm, răng cối có cấu tạo gồm 3 bộ phận: tủy răng, men răng và ngà răng.
Tủy răng: Tủy răng là phần mô có chứa mạch máu, bạch mạnh và các dây thần kinh. Nó có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng để nuôi ngà răng, men răng và bảo vệ răng trước những tác nhân bên ngoài. Đối với răng hàm nhỏ sẽ có tổng cộng 2 ống tủy, riêng răng hàm lớn sẽ có từ 3-4 ống tủy.
Men răng: Men răng là lớp vỏ bọc bên ngoài của răng, lớp vỏ này chứa nhiều khoáng chất nên có đặc điểm rất cứng và chắc. Chức năng chính của men răng là bảo vệ cấu trúc răng trước sự tấn công của vị khuẩn. Đồng thời, nó giúp hạn chế tình trạng ê buốt khi tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh từ đồ ăn nước uống.
Ngà răng: Ngà răng được bao bọc bởi men răng, chứa buồng tủy và ống tủy. Nó có thành phần chính là khoáng chất hydroxyapatite (70%), chất hữu cơ (20%) và nước (10%). Tuy không cứng như men răng nhưng ngà răng lại có tính thấm và độ đàn hồi cao, điều này giúp nó khó bị vỡ và giòn. Nhiệm vụ chính của ngà răng là bảo vệ tủy răng, mạch máu và các dây thần kinh.
Chức năng răng hàm
Nhai và nghiền nát thức ăn: Răng hàm là nhóm răng to khỏe và chiếm số lượng nhiều nhất trên cung hàm. Vì vậy, chức năng đầu tiên của răng cối phải kể đến đó là nghiền nát thức ăn. Răng hàm tham gia vào hệ thống tiêu hóa thức ăn. Trước khi thức ăn được đưa vào dạ dày, ruột non răng sẽ phối hợp cùng răng cửa và lưỡi nghiền nát chúng. Sau đó, răng hàm giúp trộn đều thức ăn với các enzym có trong nước bọt. Điều này góp phần giảm bớt gánh nặng cho dạ dày khi không cần phải co bóp nhiều. Nhờ đó, nó hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nhiệm vụ này đa phần được đảm nhiệm bởi răng hàm số 6 và răng hàm số 7. Còn đối với răng hàm số 8 (răng khôn) khả năng nhai sẽ ít hơn. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ. Còn nếu răng khôn mọc thiếu cũng không làm ảnh hưởng đến khả năng nghiền thức ăn của răng cối.
Chức năng phát âm: Không chỉ tham gia vào hệ thống tiêu hóa thức ăn, răng hàm còn có nhiệm vụ hỗ trợ phát âm. Để có thể phát âm, chúng ta cần có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả 3 bộ phận: lưỡi, vòm họng và răng. Tuy nhiên, chức năng này đa phần sẽ do răng cửa đảm nhận chính, răng hàm có vai trò giúp phát âm trở nên rõ ràng và chuẩn xác hơn. Nếu răng cửa bị mất đi sẽ tạo ra những khoảng trống, kẽ hở trong khoang miệng khiến phát âm khó nghe và không được chính xác.
Chức năng thẩm mỹ: Dù nằm sâu bên trong cung hàm và rất khó để quan sát. Nhưng răng hàm lại góp phần tăng tính thẩm mỹ cho khuôn mặt. Chúng giúp cho hai bên má trở nên đầy đặn hơn. Từ đó, tạo cho khuôn mặt sự cân đối và hài hòa.
Các biến chứng thường gặp ở răng hàm
Răng hàm là nhóm răng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về răng miệng. Nguyên nhân là vì răng nằm ở sâu trong cung hàm nên rất khó để vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, kích thước mặt nhai lớn và nhiều rãnh kẽ khiến răng cối dễ mắc thức ăn và khó để loại bỏ. Điều này gây ra một số bệnh răng miệng như:
Sưng lợi răng hàm: Sưng lợi răng hàm dù không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng nó lại khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, ăn uống và giao tiếp khó khăn. Dấu hiệu sưng lợi răng hàm bao gồm phần lợi phình to, tấy đỏ, nhô ra ngoài và thậm chí là che mất răng trong một số trường hợp nghiêm trọng.
Sâu răng hàm: Sâu răng hàm có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người lớn. Các hại khuẩn xâm nhập vào lớp men răng, phá hủy lớp khoáng răng rồi tiến sâu vào bên trong răng. Sâu răng dẫn đến đau răng hàm, nhiễm trùng răng, nghiêm trọng hơn có thể mất răng.
Răng mọc lệch: Răng số 8 (răng khôn) là răng hàm mọc ở phía ngoài cùng của cung răng và thường mọc khá trễ. Vì vậy, nó dễ mọc lệch, gây đau nhức, sưng nướu.
Răng mòn mặt nhai: Răng mòn mặt nhai là tình trạng men răng ở mặt nhai của các răng cối bị mòn bớt do ăn nhai mạnh quá mức.
Bài viết trên của Nha khoa SK Dental Clinic đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về chức năng răng hàm và các biến chứng thường gặp. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn sẽ có thêm cho mình những kiến thức hữu ích để giữ cho hàm răng của mình luôn được khỏe mạnh
Bài viết liên quan
Nguyên nhân và cách điều trị khớp cắn chéo
Cách giảm đau răng sâu tại nhà hiệu quả
Tại sao cần phải thực hiện khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần?